Văn hóa doanh nghiệp ảnh hưởng rất nhiều đến trải nghiệm nhân viên và ngược lại. Trên thực tế, chúng rất cần thiết cho sự thành công của nhau: Văn hóa doanh nghiệp chi phối và tạo dựng trải nghiệm nhân viên, Trải nghiệm nhân viên thì vừa phản ánh vừa thúc đẩy việc đưa văn hóa bám rễ vào thực tiễn. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đề cập tới lát cắt về mối liên quan và tác động lẫn nhau giữa Văn hoá doanh nghiệp và Trải nghiệm nhân viên trong bối cảnh phát triển một tổ chức hiệu suất cao.
Các bài viết mới nhất
- Trải nghiệm nhân viên xuất sắc là chìa khóa cho cài đặt văn hoá doanh nghiệp thành công
- Trải nghiệm nhân viên: Làm sao để gia tăng sự gắn bó của nhân viên với tổ chức?
- Khi nào nên “làm” văn hóa doanh nghiệp?
- Trải nghiệm nhân viên có phải chỉ là “sếp tốt, văn phòng đẹp”?
- Trải nghiệm nhân viên: Ai chịu trách nhiệm?
Văn hóa doanh nghiệp là gì?
Văn hóa doanh nghiệp có thể được định nghĩa là các giá trị, niềm tin và hành vi được chia sẻ hình thành nên một tổ chức. Văn hoá bao gồm thái độ và hành động của tất cả nhân viên, từ giám đốc điều hành cấp cao nhất đến nhân viên mới vào nghề.
Các tổ chức mong muốn xây dựng và phát triển văn hoá doanh nghiệp tích cực để làm nền tảng vững chắc cho việc phát triển một tổ chức hiệu suất cao, với các lợi thế cạnh tranh riêng có. Vì thế, văn hoá doanh nghiệp phải được hiện diện thông qua việc các giá trị cốt lõi được đưa vào đời sống và chứng minh giá trị, tác động tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Nếu các giá trị cốt lõi không cài đặt được vào các công việc hàng ngày, vào cách mọi người trong tổ chức làm việc…thì hệ thống văn hoá sẽ trở thành hình thức.
Văn hóa doanh nghiệp và Trải nghiệm nhân viên
Gần đây, chúng ta đều nhận thấy với sự phát triển nhanh chóng của các loại hình kinh doanh, thay đổi lớn và sâu sắc về công nghệ, cùng với sự tham gia ngày càng đông đảo của lực lượng người lao động trẻ vào thị trường lao động, Trải nghiệm nhân viên trở thành quan tâm lớn của nhiều doanh nghiệp do vai trò quan trọng của nó trong việc thu hút, lưu giữ nhân tài, giải quyết các thách thức trong suy giảm gắn kết của nhân viên và các nguy cơ làm cản trở hiệu suất, hiệu quả của doanh nghiệp.
Trải nghiệm nhân viên là tất cả các tương tác mà nhân viên có với người sử dụng lao động, từ quá trình tuyển dụng ban đầu cho đến khi họ rời khỏi tổ chức. Trải nghiệm nhân viên bao gồm các yếu tố tổng hoà, từ sự hài lòng trong công việc đến hạnh phúc tổng thể và sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Đặc biệt, không bao giờ có một khuôn mẫu, một công thức đúng cho mọi doanh nghiệp khi làm trải nghiệm nhân viên. Nói một cách khác, Trải nghiệm nhân viên chính là “ánh xạ” của văn hoá riêng có của từng tổ chức.
Mối liên kết giữa Văn hóa doanh nghiệp và Trải nghiệm nhân viên
Văn hóa doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra trải nghiệm tích cực cho nhân viên, tạo ra “bầu khí quyển” làm nên cách mà nhân viên trong tổ chức đó được đối xử và cách nhân viên nhìn nhận công việc của mình.
Văn hóa có thể tác động đến trải nghiệm nhân viên theo nhiều cách. Ví dụ, văn hóa doanh nghiệp tích cực thúc đẩy ý thức cộng đồng, cộng hưởng cùng tạo giá trị và gắn kết của nhân viên với tổ chức cũng như gắn kết giữa các nhân viên. Văn hoá tích cực giúp tạo ra một môi trường hỗ trợ, nơi nhân viên cảm thấy thoải mái khi chia sẻ ý tưởng và chấp nhận rủi ro. Nhờ đó thúc đẩy được hiệu suất vượt trội cũng như gia tăng sự gắn kết của nhân viên.
Mặt khác, văn hóa doanh nghiệp tiêu cực có thể có tác động bất lợi đến trải nghiệm của nhân viên. Môi trường làm việc độc hại, nơi nhân viên cảm thấy bị đánh giá thấp hoặc không được hỗ trợ, có thể dẫn đến mức độ căng thẳng, kiệt sức và biến động nhân sự lớn. Hệ quả là làm tăng chi phí cho tổ chức, bao gồm sụt giảm năng suất, gia tăng chi phí tuyển dụng, đào tạo cũng như các khoản phí pháp lý tiềm ẩn.
Trải nghiệm nhân viên có thể tác động tới văn hoá doanh nghiệp theo tần suất hàng ngày, hàng giờ. Hay nói một cách khác, Trải nghiệm nhân viên chính là “dòng nước” len lỏi giúp cho văn hoá tổ chức lan toả, bám rễ vào đời sống của doanh nghiệp.
#Trải nghiệm nhân viên tích cực là chất dẫn để bồi đắp văn hóa doanh nghiệp tích cực.
Khi nhân viên có trải nghiệm tích cực tại nơi làm việc, họ có nhiều khả năng cảm thấy gắn bó, có động lực và cam kết với tổ chức của mình. Điều này góp phần tạo nên một nền văn hóa doanh nghiệp tích cực. Một nền văn hóa doanh nghiệp tích cực được đặc trưng bởi các giá trị được chia sẻ, giao tiếp cởi mở và tôn trọng lẫn nhau, dẫn đến một môi trường làm việc hợp tác và hỗ trợ.
#Trải nghiệm tiêu cực của nhân viên có thể làm hỏng văn hóa doanh nghiệp.
Trải nghiệm tiêu cực của nhân viên có thể dẫn đến tinh thần làm việc thấp, biến động nhân sự lớn, và suy giảm năng suất. Các trải nghiệm tiêu cực thường được lan truyền một cách âm ỉ nhưng có sức công phá mạnh mẽ, dẫn đến một môi trường làm việc độc hại và có thể triệt tiêu mọi nỗ lực chuyển đổi văn hoá doanh nghiệp theo hướng mong muốn.
#Trải nghiệm của nhân viên định hình các giá trị và hành vi của tổ chức.
Ví dụ, nếu nhân viên luôn được khen thưởng hoặc ghi nhận vì đã chấp nhận rủi ro và chia sẻ ý tưởng của họ, điều đó có thể tạo ra văn hóa đổi mới và sáng tạo. Mặt khác, nếu nhân viên không được khuyến khích chấp nhận rủi ro hoặc bị trừng phạt khi phạm sai lầm nào đó trong công việc- khi họ chủ động làm điều mới, làm theo cách khác đi…, điều đó có thể tạo ra văn hóa sợ hãi và tuân thủ, cứ đi theo lối mòn định trước .. cho an toàn.
#Trải nghiệm của nhân viên cũng có thể ảnh hưởng đến danh tiếng của tổ chức.
Nếu nhân viên có trải nghiệm tích cực tại nơi làm việc, họ có nhiều khả năng chia sẻ trải nghiệm tích cực của mình với người khác, điều này có thể thu hút nhân tài hàng đầu và nâng cao danh tiếng của tổ chức. Ngược lại, nếu nhân viên có trải nghiệm tiêu cực, họ có thể chia sẻ trải nghiệm tiêu cực của mình với người khác, điều này có thể gây tổn hại đến danh tiếng của tổ chức. “Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ sẽ đồn xa hơn và nhanh hơn”.
Tác động cụ thể của Trải nghiệm nhân viên và Văn hóa doanh nghiệp đến tổ chức
Chúng ta cũng có thể điểm qua một số tác động qua lại cụ thể giữa trải nghiệm nhân viên và văn hoá doanh nghiệp, đồng thời nhìn nhận các ảnh hưởng của Trải nghiệm nhân viên tới hiệu quả chung của tổ chức:
1. Sự gắn kết của nhân viên:
Một nghiên cứu của Gallup cho thấy các công ty có mức độ gắn kết của nhân viên cao có tỷ lệ năng suất cao hơn 20% so với những công ty có mức độ gắn kết của nhân viên thấp. Khi nhân viên gắn kết và cảm thấy có giá trị, họ có nhiều khả năng đóng góp tích cực vào văn hóa doanh nghiệp và giúp thúc đẩy tổ chức hướng tới thành công.
2. Giữ chân nhân viên:
Một nghiên cứu khác của Glassdoor cho thấy các công ty có thương hiệu nhà tuyển dụng mạnh và trải nghiệm nhân viên tích cực có tỷ lệ nghỉ việc thấp hơn 40% so với những công ty có thương hiệu nhà tuyển dụng yếu. Khi nhân viên hài lòng với trải nghiệm của họ tại nơi làm việc, họ có nhiều khả năng ở lại với tổ chức và đóng góp vào văn hóa doanh nghiệp tích cực.
3. Sự hài lòng của khách hàng:
Một nghiên cứu của Temkin Group cho thấy các công ty có trải nghiệm nhân viên tốt có tỷ lệ hài lòng của khách hàng cao hơn 21% so với những công ty có trải nghiệm nhân viên yếu. Khi nhân viên hài lòng với trải nghiệm của họ tại nơi làm việc, họ có nhiều khả năng cung cấp dịch vụ khách hàng tốt hơn và tạo ra trải nghiệm tích cực cho khách hàng, điều này có thể đóng góp vào văn hóa doanh nghiệp tích cực.
4. Hiệu quả tài chính:
Một nghiên cứu của Forbes cho thấy các công ty có trải nghiệm nhân viên tích cực có doanh thu/nhân viên cao hơn 2,3 lần so với những công ty có trải nghiệm nhân viên tiêu cực. Khi nhân viên gắn kết và có động lực, họ có nhiều khả năng làm việc hiệu quả hơn và đóng góp vào thành công tài chính của tổ chức.
Tạm kết
Trải nghiệm của nhân viên và văn hóa doanh nghiệp là hai yếu tố gắn bó chặt chẽ với nhau trong tổ chức. Trải nghiệm nhân viên tích cực có thể góp phần tạo nên văn hóa doanh nghiệp tích cực, trong khi trải nghiệm tiêu cực của nhân viên có thể làm hỏng văn hóa doanh nghiệp.
Các tổ chức nên ưu tiên cải thiện và kiến tạo các trải nghiệm nhân viên tích cực để tạo ra một môi trường làm việc hợp tác và hỗ trợ nhằm thúc đẩy sự tham gia, gia tăng động lực và cam kết của nhân viên. Bằng cách đó, họ có thể tạo ra một nền văn hóa doanh nghiệp tích cực thúc đẩy thành công lâu dài và bền vững.
Khóa học cài đặt văn hóa có chủ đích, phát triển tổ chức gắn kết - hiệu suất cao