Trải nghiệm nhân viên thường được viết tắt là EX (Employee Experience) là một khía cạnh quan trọng của bất kỳ tổ chức nào. Trong những năm gần đây, sự tập trung vào EX đã tăng lên đáng kể vì tác động quan trọng của nó tới hiệu quả hoạt động của các tổ chức. Trải nghiệm tích cực của nhân viên có thể có ảnh hưởng đáng kể đến sự gắn kết, năng suất lao động và khả năng giữ chân nhân viên, trong khi trải nghiệm nhân viên tiêu cực có thể tạo ra sức công phá mạnh mẽ tới các nỗ lực chuyển đổi văn hoá tổ chức, tạo dựng trải nghiệm khách hàng xuất sắc. Bài viết này sẽ cung cấp hiểu biết chung về trải nghiệm của nhân viên và các bước đơn giản để triển khai EX trong tổ chức.
Các bài viết mới nhất
- Trải nghiệm nhân viên: Làm sao để gia tăng sự gắn bó của nhân viên với tổ chức?
- Trải nghiệm nhân viên có phải chỉ là “sếp tốt, văn phòng đẹp”?
- Trải nghiệm nhân viên: Ai chịu trách nhiệm?
- “Start mall” – Cách thức hiệu quả để triển khai Trải nghiệm nhân viên cho doanh nghiệp
- Văn hoá doanh nghiệp và Trải nghiệm nhân viên: “Đôi bạn” cùng tiến
Tại sao trải nghiệm nhân viên lại quan trọng?
Trong thị trường việc làm cạnh tranh ngày nay, việc thu hút và giữ chân nhân tài đã trở nên quan trọng đối với các doanh nghiệp để duy trì tính cạnh tranh. Nhân viên có năng lực phù hợp là trụ cột của bất kỳ tổ chức nào và việc đảm bảo sự hài lòng cũng như hạnh phúc của họ là điều cần thiết để duy trì văn hóa làm việc lành mạnh. Trải nghiệm tích cực của nhân viên không chỉ thúc đẩy sự gắn kết nhân viên mà còn giúp thu hút nhân tài mới cho tổ chức.
Hơn nữa, các công ty có EX mạnh có xu hướng vượt trội so với các công ty cùng ngành về tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận và sự hài lòng của khách hàng. Theo một nghiên cứu gần đây của McKinsey, những công ty ưu tiên trải nghiệm của nhân viên có lợi nhuận cao gấp 4 lần so với những công ty không ưu tiên.
Do tầm quan trọng của trải nghiệm nhân viên, trong các năm gần đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp coi trọng việc thiết kế và tập trung nỗ lực trong kiến tạo, thiết kế và thực thi trải nghiệm nhân viên tích cực. Theo thống kê trong báo cáo EX toàn cầu năm 2020, năm 2017 chỉ có 6% doanh nghiệp được hỏi quan tâm tới EX, tới năm 2019 thì con số này lên tới 56%. Tới năm 2020, khoảng 89% doanh nghiệp trong phạm vi báo cáo chia sẻ rằng EX sẽ trở nên quan trọng trong tổ chức của họ vào 1-2 năm tới.
Vậy Trải nghiệm nhân viên là gì?
Trải nghiệm của nhân viên bao gồm toàn bộ hành trình của một nhân viên trong một tổ chức, từ quy trình tuyển dụng ban đầu đến cuộc phỏng vấn thôi việc của họ. Đó là một cách tiếp cận toàn diện để hiểu nhu cầu, mong đợi và cảm xúc của nhân viên ở mọi giai đoạn làm việc của họ.
Trải nghiệm nhân viên bao gồm các yếu tố như môi trường làm việc, văn hóa công ty, khả năng lãnh đạo, cơ hội đào tạo và phát triển, sự công nhận và khen thưởng cũng như sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Trải nghiệm tích cực của nhân viên đảm bảo rằng nhân viên cảm thấy có giá trị và được tôn trọng, dẫn đến cảm giác công ty là nơi họ thuộc về, thực thi công việc hướng mục đích và thúc đẩy sự hoàn thành trong công việc với chất lượng cao nhất.
Các bước đơn giản để triển khai trải nghiệm của nhân viên
Có một cách thức đơn giản để định nghĩa về việc triển khai EX trong tổ chức, đó là “triển khai EX là thực hiện các cách thức để giúp cho nhân viên có được các ngày làm việc tốt hơn trong tổ chức”.
Nói một cách đầy đủ hơn, theo Witter phát biểu năm 2019, thì EX là một thiết kế có chủ đích và kỹ thuật tạo ra trải nghiệm tổng thể, tích hợp, có giá trị cao cho nhân viên. Từ trước khi tuyển dụng đến khi rời tổ chức, tuyển dụng lại, nếu sử dụng trải nghiệm toàn diện của nhân viên như một lăng kính, chúng ta có thể tối đa hóa tất cả các tương tác mà một cá nhân có với Công ty trong toàn bộ quá trình, từ đó tạo dựng được cảm giác tổ chức là nơi họ thuộc về và cùng cộng hưởng tạo ra hiệu suất cao với hiệu quả kinh doanh tốt hơn.
Có nhiều cách tiếp cận để triển khai EX tuỳ thuộc vào đặc điểm, mong đợi và nguồn lực của từng công ty. Dưới đây là một số cách có thể ứng dụng được ở nhiều công ty.
1. Lắng nghe nhân viên
Để cải thiện trải nghiệm của nhân viên, điều cần thiết là phải hiểu nhu cầu, mong muốn và mối quan tâm của nhân viên. Người sử dụng lao động có thể tiến hành khảo sát, phỏng vấn trực tiếp để thu thập phản hồi từ nhân viên. Thông tin này có thể giúp xác định các lĩnh vực cần cải thiện và phát triển các chiến lược để nâng cao trải nghiệm của nhân viên. Đồng thời, việc lắng nghe nhân viên cũng là cách để tạo được môi trường thông tin, giao tiếp thông thoáng nhiều chiều và hiệu quả trong tổ chức.
2. Nuôi dưỡng văn hóa làm việc tích cực
Một văn hóa làm việc tích cực là điều tối cần thiết để mang lại trải nghiệm tích cực cho nhân viên. Doanh nghiệp có thể thúc đẩy văn hóa làm việc tích cực bằng cách thúc đẩy giao tiếp cởi mở, ghi nhận đóng góp của nhân viên, tạo cơ hội thăng tiến và phát triển cũng như khuyến khích cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
3. Cung cấp cơ hội đào tạo và phát triển
Nhân viên muốn trưởng thành và phát triển trong vai trò của họ. Tạo cơ hội đào tạo và phát triển không chỉ nâng cao kỹ năng của nhân viên mà còn thúc đẩy sự hài lòng và gắn kết. Từ đó, nhân viên có thể nhân được giá trị của chính họ trong công việc. Đây chính là yếu tố thuộc tầng tạo động lực mạnh mẽ trong phát triển trải nghiệm nhân viên tích cực và bền vững.
4. Ghi nhận và tưởng thưởng những đóng góp của nhân viên
Ghi nhận và tưởng thưởng những đóng góp của nhân viên là một cách đơn giản nhưng hiệu quả để nâng cao trải nghiệm của nhân viên. Điều này không chỉ tập trung vào chế độ đãi ngộ, thưởng hiệu quả, hiệu suất công việc mà phần nhiều liên quan tới việc ghi nhận các hành vi, hành động phù hợp, các nỗ lực và các thành công của nhân viên.
5. Tạo môi trường làm việc thoải mái và an toàn:
Một môi trường làm việc thoải mái và an toàn là điều cần thiết để mang lại trải nghiệm tích cực cho nhân viên. Doanh nghiệp có thể tạo ra một môi trường làm việc thoải mái bằng cách cung cấp nơi làm việc thích hợp, trang thiết bị cần thiết cho công việc hoặc các điều kiện sinh hoạt nơi làm việc. Các công ty cũng cần ưu tiên sự an toàn của nhân viên bằng cách cung cấp đào tạo, trang thiết bị và quy trình phù hợp.
Tạm kết
Trải nghiệm của nhân viên là rất quan trọng để thu hút và giữ chân nhân tài, cải thiện hiệu suất của tổ chức và thúc đẩy văn hóa làm việc tích cực. Những nhà tuyển dụng ưu tiên trải nghiệm của nhân viên có nhiều khả năng “thu hoạch” được kết quả trong việc năng suất, lợi nhuận và sự hài lòng của nhân viên tăng lên.
Trải nghiệm nhân viên tích cực không chỉ là việc có thì tốt, không có không sao mà đã trở thành điều kiện tiên quyết đối với bất kỳ doanh nghiệp muốn tạo dựng tổ chức gắn kết nhân tâm với hiệu suất cao. EX tác động trực tiếp đến trải nghiệm của khách hàng, thúc đẩy năng suất và định hình văn hóa doanh nghiệp. Những nhân viên hạnh phúc là những nhân viên gắn bó và những nhân viên gắn kết sẽ tạo ra những khách hàng hạnh phúc.
Bằng cách ưu tiên văn hóa doanh nghiệp tích cực và áp dụng cách tiếp cận toàn diện đối với trải nghiệm của nhân viên, các tổ chức có thể tạo ra một nơi làm việc thu hút và giữ chân nhân tài hàng đầu cũng như thúc đẩy thành công lâu dài.
Khóa học cài đặt văn hóa có chủ đích, phát triển tổ chức gắn kết - hiệu suất cao